“Xung đột pháp luật” trong Dự thảo Thông tư của Bộ KHĐT về hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sân golf.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 6 Mục II Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf để cụ thể hóa các quy định pháp luật sau:
- Điều 5 Nghị định số 52/2020/NĐ-CP, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
- Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP) về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 25 sửa đổi) cũng có quy định về tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án theo pháp luật chuyên ngành và giao cho các bộ ban hành quy định về đấu thầu theo pháp luật thuộc chuyên ngành do bộ quản lý.
Do vậy, việc ban hành Thông tư hướng dẫn đấu thầu dự án sân golf là cần thiết nhằm bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Theo quy định tại Dự thảo Thông tư (Khoản 1 Điều 3): Một trong các điều kiện đấu thầu dự án đầu tư xây dựng kinh doanh sân golf là thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo pháp luật về đất đai, thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng.
Dự án thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai đã được quy định tại Điều 62 Luật đất đai không bao gồm Dự án kinh doanh sân golf. Liệu có thể coi dự án sân golf thuộc loại hình "khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng"? Thuật ngữ "phục vụ công cộng" liệu có bao quát cả trường hợp dự án sân golf vốn có mục đích kinh doanh?
Như vậy, nếu thông tư được ban hành theo phương án Bộ KH&ĐT xin ý kiến tại văn bản số 4314/BKHĐT-KTDV ngày 28/6/2022 thì rất có thể sẽ… không có một dự án sân golf nào được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bởi không đáp ứng được điều kiện tiên quyết là thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo Luật Đất đai. Điều đó đồng nghĩa với việc thông tư được ban hành mà… chẳng để làm gì