Theo Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của UBND thành phố Hà Nội, dự án có tổng diện tích 32.158 m2, bao gồm SVĐ Hàng Đẫy (diện tích 23.433 m2), Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (diện tích 6.938 m2) và khu đất của Sở KH-ĐT Hà Nội (diện tích 1.787 m2).
Quy mô dự án như sau: SVĐ Hàng Đẫy được xây mới có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, cao 35 m, 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án (2 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng để xe). Khu nhà thi đấu đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, được xây dựng trên ô đất rộng 6.938 m2; cao 8 tầng (khoảng 35 m) còn có chức năng kết hợp thương mại với văn phòng. Ngoài ra, Khu vực văn phòng làm việc kết hợp với quảng trường được xây trên ô đất rộng 1.787 m2, cao 5 tầng (khoảng 23 m), tầng 1 làm quảng trường; các tầng khác là khu trưng bày, bảo tàng lưu niệm, văn phòng điều hành và dịch vụ công cộng. Dự kiến tổng mức đầu tư tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy khoảng 6.309 tỉ đồng. Hình thức đầu tư là xã hội hóa, nhà đầu tư tự thu xếp 100% vốn đầu tư trong suốt thời gian thực hiện và được quyền khai thác vận hành trong thời gian 50 năm.
Cũng theo UBND TP.Hà Nội, chủ trương giao doanh nghiệp quản lý, đầu tư khai thác vận hành SVĐ Hàng Đẫy có từ năm 2017. Tháng 5.2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội có buổi làm việc với Tập đoàn T&T về phương án thiết kế SVĐ Hàng Đẫy. Tháng 7.2018, UBND TP trình Thường trực Thành ủy về việc T&T đầu tư xây dựng tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy theo hình thức xã hội hóa. Hồi cuối tháng 3.2018, Tập đoàn T&T đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bouygues (Pháp) về việc hợp tác cải tạo SVĐ Hàng Đẫy trị giá 250 triệu USD. Tập đoàn T&T là đối tác có năng lực tài chính, hoạt động trong lĩnh vực thể thao và đã có quá trình nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế, xây dựng lại SVĐ Hàng Đẫy.
Lý do Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho Nhà đầu tư T&T không thông qua đấu giá?
1. Dự án có số vốn đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực thể thao được khuyến khích xã hội hóa và cần triển khai trong vòng 36 tháng để kịp phục vụ SEA Games 31 nên thuộc trường hợp “đặc biệt, đặc thù, cần triển khai nhanh”
2. Đề nghị không phải đấu giá theo quy định tại Điểm i, Khoản 2, Điều 118 Luật Đất đai (Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
3. Dự án sử dụng diện tích hơn 3,2 ha đất công, đang được giao cho một số cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng, quản lý. Việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được thực hiện theo phương án “hình thức khác” (quy định tại điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP);
Về pháp lý dự án, chuyên gia của chúng tôi có ý kiến như sau:
1. Theo quy định của Pháp luật về đất đai (Điểm i, Khoản 2, Điều 118 Luật Đất đai), Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, theo quy định, trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định phải đảm bảo phù hợp với pháp luật có liên quan.
2. Theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công (Điều 11 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công), việc thu hồi, và giao đất đối với Dự án sân vận động Hàng Đẩy phải thông qua đấu giá.
3. Hiện nay, “ Hình thức khác “ theo quy định tại Khoản 9 Điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP. Theo đó, “Hình thức khác” do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Kết luận:
1. Như vậy, mặc dù pháp luật về đất đai có quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép một số trường hợp đặc biệt không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quyết định này cũng phải phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.
2. Luật Quản lý sử dụng tài sản công yêu cầu phải đấu giá đối với trường hợp này, do đó, Thủ tướng Chính phủ không thể giao cho Tập đoàn T&T như đề xuất của UBND thành phố Hà Nội mặc dù dự án đã được chuẩn bị khá công phu, đã ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Pháp từ 2018, Chính quyền Thành phố Hà Nội đồng thuận cao từ trước.
3. Hiểu rõ quy định của pháp luật sẽ giúp Nhà đầu tư nhận diện được rủi ro, tránh thiệt hại về kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn!
Liên quan đến quản lý tài sản công, vui lòng xem thêm tại bài viết: Vi phạm pháp lý tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn: Luật Đất đai 2003 và Luật Quản lý tài sản công
Liên hệ và Tham gia Cộng đồng
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về pháp lý liên quan đến dự án bất động sản, hãy liên hệ với chúng tôi qua:
• Email: [email protected]
• Số điện thoại: 0983.040.189
Tham gia nhóm của chúng tôi trên Nhóm Zalo để thảo luận và nhận thêm thông tin hữu ích về pháp luật dự án.
Tham gia ngay: Nhóm Zalo
Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!